HÃY ĐI VÀ CHIA SẺ ĐỂ NHÌN THẤY ĐỔI THAY

Monday 13 February 2017

Khi được  phân công phụ trách Câu lạc bộ Cha mẹ của trường mầm non Tuổi Hoa - xã Lăng, huyện Tây Giang, Quảng Nam - cô Đoàn Thị Nga, giáo dạy giỏi cấp tỉnh với hơn 13 năm kinh nghiệm trong nghề,  đã hình dung ra bao nhiêu khó khăn trước mắt. Rất nhiều câu hỏi được cô đặt ra và trăn trở như: Làm thế nào để vận động cha mẹ tham gia đầy đủ các buổi sinh hoạt câu lạc bộ? Làm thế nào để họ vượt qua rào cản ngôn ngữ và tâm lý để hiểu và tham gia tích cực? Làm sao để họ áp dụng, thực hành những gì đã học để giúp con làm quen với toán và đọc viết ở nhà? Làm thế nào để bản thân mình thực hiện được các buổi sinh hoạt hấp dẫn, dễ hiểu, dễ làm theo?... Điều này là vô cùng dễ hiểu bởi những người hiểu rõ tầm quan trọng và vai trò của cha mẹ trong giáo dục con trẻ như Nga còn thấy việc dành nhiều thời gian cho con là khó khăn và việc giúp con học cần sự kiên nhẫn và nỗ lực biết bao, trong khi đa số đồng bào Cơ tu bận rộn với việc nương rẫy nên mặc nhiên việc giáo dục trẻ sẽ hoàn toàn trở thành nhiệm vụ của các cô.

Bản thân Nga còn thấy nhiệm vụ này vô cùng thách thức bởi tuy dạy dỗ biết bao con trẻ nhưng Nga chưa từng hướng dẫn nhiều phụ huynh như vậy về cách dạy con học. Tuy nhiên, Nga luôn nghĩ rằng “khó không có nghĩa là không thể”. Nghĩ là làm, trước mỗi buổi sinh hoạt Nga đã đọc tài liệu hướng dẫn rất kỹ và tự soạn giáo án cho mình để nhớ nội dung dễ hơn. Nga sử dụng các vật dụng hỗ trợ trò chơi là những vật dễ tìm, gia đình nào cũng có được như sỏi, lá cây, hạt bắp, hạt đậu… hay sử dụng chính các bộ phận trên cơ thể để hướng dẫn bố mẹ cách giúp con chơi mà học. Nga cũng thường xuyên thay đổi các trò chơi, bài hát khởi động đơn giản, vui nhộn để tạo sự hấp dẫn trong các buổi sinh hoạt. Nhận thấy nhiều cha mẹ vẫn chưa hiểu được cách hướng dẫn con chơi và chưa quen với việc xem truyện cùng con vì họ không biết chữ, Nga liền vừa nói tiếng phổ thông vừa lồng thêm tiếng Cơ Tu trong các buổi sinh hoạt, những đoạn nào khó quá thì nhờ lớp trưởng dịch lại để bà con cùng hiểu.


                                                                     Nga (áo trắng) trong một buối thăm hộ gia đình

Từ sự chuẩn bị kỹ càng và những quan tâm nho nhỏ như vậy mà mỗi buổi sinh hoạt câu lạc bộ cha mẹ là niềm vui đầy ý nghĩa với cả người dẫn dắt, bố mẹ và con trẻ. Không chỉ tích cực, chủ động, sáng tạo trên Câu lạc bộ, Nga còn dành nhiều thời gian ưu tiên đến thăm các hộ gia đình ở các thôn xa như A Ró, Pơ Nin, nơi cha mẹ người đồng bào Cơ Tu khá rụt rè chỗ đông người, họ chỉ cười, ít nói và tham gia chơi cùng mọi người.Với những hộ quá yếu, Nga tập trung 3-4 hộ gần nhà để thăm và hướng dẫn kỹ lại các trò chơi cũng như tìm hiểu và giúp họ tìm ra cách khắc phục khó khăn, động viên để họ tự tin hơn khi tham gia sinh hoạt CLB. Dưới sự hướng dẫn của Nga, 5 CLB Cha mẹ của trường Tuổi Hoa đều thực hiện các buổi sinh hoạt rất tốt, với tỷ lệ tham gia trung bình đạt 94% trở lên.

“Mặc dầu vất vả và mất khá nhiều thời gian trong việc xem tài liệu, chuẩn bị nội dung và đến các điểm thôn xa xôi để hướng dẫn sinh hoạt câu lạc bộ cha mẹ, nhưng tôi cảm thấy rất vui vì đã góp phần thay đổi quan điểm của cha mẹ trong việc giúp con chơi và học thông qua các trò chơi đơn giản tại nhà, đồng thời sẽ giúp trẻ học tốt hơn tại trường.” Nga chia sẻ.

Nga là một trong số 66 giáo viên mầm non của 5 trường tham gia dự án tại Tây Giang đang hàng ngày nỗ lực để con em dân tộc Cơtu có được môi trường học tập thân thiện, có chất lượng và chuẩn bị sẵn sàng vào lớp 1. Nga cũng là một trong những thành viên tích cực trong việc giúp các bậc phụ huynh đồng bào Cơtu hiểu rõ và thực hiện tốt hơn vai trò “người thầy đầu tiên và suốt đời của trẻ”.