NIỀM VUI CỦA BÀ MẸ CƠ TU

Thursday 9 February 2017

Nằm trong nhóm 85% hộ dân nghèo đồng bào Cơ Tu ở huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam, chị Blúp Thị Hum, 28 tuổi, hiện đang sinh sống cùng chồng và hai con tại thôn Zờ’ Rượt, xã A Tiêng, với nguồn thu nhập chính của gia đình là từ việc canh tác nương rẫy.

Bríu Văn Khương là con thứ hai của chị. Cháu được sinh ra khi chưa đầy 7 tháng, nặng 1.7 kg. Hậu quả của việc sinh non khiến Khương trở thành trẻ chậm phát triển, đặc biệt là về ngôn ngữ và vận động, đó cũng là lý do chị Hum rất tự ti và lo sợ khi cho con mình đi học. “Tôi thấy rất xấu hổ vì thấy con mình không biết được nhiều điều và bị cô giáo nhắc nhở khá nhiều lần”, chị Hum chia sẻ. Chị Hum cũng cố gắng dành thời gian và giúp con học đếm, học số nhưng khi thấy con không làm được dù chị đã hướng dẫn nhiều lần, chị đã rất bực mình và quát mắng con. Thấy con nhiều khi sợ học, chị rất thương con, muốn giúp con nhưng không biết làm cách nào?.

Thế rồi mọi sự bắt đầu thay đổi khi Câu lạc bộ Cha mẹ tại điểm trường Zờ’ Rượt của trường mầm non Họa Mi được thành lập. Chị Hum được các cô giáo động viên, khuyến khích tham gia và dần trở thành thành viên tích cực. “Từ khi tham gia câu lạc bộ, tôi đã hiểu hơn về lợi ích của việc giúp con học tại nhà, người điều phối đã hướng dẫn chúng tôi một số trò chơi để giúp con làm quen với toán và đọc viết. Các trò chơi này có thể chơi với con mọi lúc mọi nơi, ngay cả khi làm các công việc hàng ngày. Và một điểm thú vị nữa là các công cụ để chơi rất đơn giản và dễ kiếm như lá cây, viên sỏi, tờ báo/ tạp chí cũ…Tôi khá ngạc nhiên vì những đồ vật này lại có thể giúp cho con tôi học giỏi toán và đọc viết. Khi tôi bận, các con có thể tự chơi với nhau và tôi chỉ cần quan sát và giúp đỡ chúng nếu cần”, chị Hum vui vẻ kể lại.

Chị Blúp Thị Hum và con trai Bríu Văn Khương

Bản thân chị Hum cũng thay đổi rất nhiều trong cách chơi và học cùng con, chị trở nên kiên nhẫn hơn, biết thường xuyên khích lệ động viên con và tranh thủ dạy con mọi lúc mọi nơi. Bây giờ cậu bé Khương nhút nhát, luôn khóc và không chịu tham gia hoạt động gì cũng đã thay đổi. Nếu trước đây Khương chỉ chơi với chị gái mình thì bây giờ Khương đã sang hàng xóm chơi với bạn bè, cùng lấy đá, lấy que chơi lại các trò chơi được hướng dẫn trên lớp, trên câu lạc bộ một cách hăng say. Khương còn biết chủ động giúp đỡ mẹ dọn cơm, lấy bát và thực hành đếm đồ vật trong nhà rất say sưa.

“Bây giờ cô giáo đã khen ngợi cháu học tốt. Tôi cũng đã tham gia vào các hoạt động dành cho phụ huynh ở trường nhiều hơn từ đó biết được ở trường con học cái gì và giúp con học thêm tại nhà. Thật sự tôi thấy cha mẹ đóng vai trò rất quan trọng trong việc giúp con học tại nhà. Tôi đã thấy con mình cải thiện rất nhiều sau khi được tôi hướng dẫn các trò chơi. Bây giờ tôi không còn tự ti về Khương nữa”- chị Hum nói giọng đầy tự hào và hạnh phúc.

Chị Hum là một trong 554 phụ huynh tham gia Câu lạc bộ Cha mẹ giúp con làm quen với Toán và Đọc viết tại nhà ở Tây Giang. Chị đã chứng minh rằng chỉ cần lòng yêu thương, sự quan tâm và nỗ lực, bất cứ cha mẹ nào cũng có thể giúp con mình học tốt, dù đứa trẻ đó có đặc biệt thế nào.